Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

5 PHƯƠNG THẾ

I – DANH DỰ

H. Tại sao cụ BiPi nêu cao vấn đề danh dự?
Đ. Vì cụ cho rằng một lúc không trọng danh dự thì con người hết chí khí, hết nhân vị, ra đê tiện.

H. Xã hội không trọng danh dự sẽ thế nào?
Đ. Nếu mỗi cá nhân không trọng danh dự, thì xã hội chỉ là một chỗ thối nát, hối lộ, thủ đoạn, gian lận, từ trên chí dưới.


H. Nếu xã hội trọng danh dự thì sẽ thế nào?
Đ. Thì tất cả xã hội sẽ thành một đại gia đình hạnh phúc, vì ai cũng có thể tín nhiệm vào lời nói của kẻ khác, giữa xã hội chỉ có thành thực.

H. HĐS phải trọng danh dự làm sao?
Đ. Bao giờ cũng phải làm cho người nghe mình tin rằng: Lời nói của HĐS (parole de scout) không thể dối trá được.

H. Kêu gọi thanh thiếu niên sống danh dự có hạp tâm lý không?
Đ. Rất hạp tâm lý, phải tập con người biết trọng danh dự từ bé, vả chăng em bé tin mọi người cách hồn nhiên, vì nghĩ rằng mọi người tin em. Vì trẻ em mến chân lý, ta phải làm phát triển tinh thần ấy trong tâm hồn các em theo tuổi khôn lớn.

H. Điều kiện của đời sống danh dự là gì?
Đ. Muốn sống mà được người ta tin mình thì phải có một lý tưởng cao thượng, một tâm hồn trong trắng, trước không đổi lương tâm sau không đổi người.

II – HÀNG ĐỘI

H. Mục đích hàng đội là gì?
Đ. Hàng đội không phải để bớt gánh nặng của Trưởng, nhưng để giao trách nhiệm cho trẻ, giúp nó tự luyện chí khí.

H. Phương pháp hàng đội quan trọng thế nào?
Đ. Nó là trục (pivot) của cả phong trào HĐ.

H. Nếu không chia hàng đội mà vẫn cắm trại, học chuyên môn...thì sao?
Đ. Thì không phải là HĐ.

H. Muốn tổ chức hàng đội có kết quả phải làm thế nào?
Đ. Trước hết phải luyện các Đội trưởng riêng, lúc các Đội trưởng đã biết một phần kinh nghiệm về chuyên môn, và đã thấm nhuần tinh thần HĐ, lúc bấy giờ mới khởi sự huấn luyện chung.

H. Sách nào nói rõ về phương pháp hàng đội?
Đ. Sách “Phương pháp hàng đội” (Le système des Patrouilles) của Roland Phillipps và quyển “Làm sao điều khiển một Đội” (Comment dirger une patrouille) của John Lewis.

H. Phương pháp này có gì lạ?
Đ. Lối dùng trẻ để giáo dục trẻ dưới sự kiểm soát của người lớn là một sáng kiến rất bạo dạn.

H. Phương pháp này có ích lợi thế nào?
Đ. Nó giúp trẻ có tinh thần trách nhiệm, tự mình làm cho Đội sống. Trong thế chiến I,1 vạn Trưởng ở Anh phải nhập ngũ, thế mà 1 vạn em bé vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ dưới sự điều khiển của Đội trưởng, nếu không có thế thì phong trào đã sụp đổ.

III – PHƯƠNG PHÁP BẰNG CHUYÊN MÔN.

H. Phương pháp bằng chuyên môn là gì?
Đ. Tiếng bằng chuyên môn là lấy ở tiếng Anh là “Badge” có nghĩa là một huy hiệu, vậy một HĐS đã có thi một bằng chuyên môn thì được một huy hiệu (bằng), em mang vào tay áo bên phải, hoặc bên trái.

H. Có những bằng chuyên môn nào?
Đ. Có rất nhiều bằng, tỷ dụ:
            1) Ích chung: bơi lội, y tá, là, bếp, chữa lửa.
            2) Một nghề ở phố: thợ nề, thợ điện, đóng sách.
            3) Một nghề ở đồng quê: nuôi ong, nuôi gò, làm vườn.
            4) Miền biển: chèo thuyền, lái tàu, đánh cá biển.

H. Phương pháp này nhắm đưa HĐS đến nghề nghiệp như thế nào?
Đ. Từ lúc vào Bầy các Sói gắng qua cho được một sao, hai sao, lên Thiếu suốt mấy năm các em đi từ Tân sinh kên HĐ hạng nhì, HĐ hạng nhất. Các bằng chuyên môn về lối huấn luyện tuần tự ấy giúp các em thấy năng khiếu của mình. Đến 17 tuổi, các em vào Tráng và cũng là tuổi phải định hướng nghề nghiệp và tương lai, thì Tráng sinh có thể quyết định cách sáng suốt, và chọn cái nghề mình sẽ làm về sau với tất cả lương tâm và khả năng.

H. Muốn được bằng chuyên môn phải làm gì?
Đ. Phải học kỹ và trải qua một cuộc thử sức.

H. Bằng chuyên môn có ích gì?
Đ. Bằng chuyên môn soạn cho HĐS một tương lai rực rỡ, nên người hữu ích, bằng cách rất tâm lý là làm cho trẻ phấn khởi tranh đua. Lợi dụng tâm lý trẻ con thích mang “lon”, mang huy hiệu, cụ BiPi đặt ra các bằng chuyên môn.

IV – SỐNG GIỮA THIÊN NHIÊN.

H. Sống giữa thiên nhiên ích gì?
Đ. Đô thị rộn rịp làm cho thanh thiếu niên ra suy nhược, đớn hèn, máy móc, thiếu thực tế. Muốn tránh ảnh hưởng độc hại đó, không những phong trào HĐ đem thanh thiếu niên sống giữa cảnh núi non hùng vĩ, mà chính là dùng khung cảnh này để giúp chúng sống gần thực tế, hiểu vẻ đẹp của thiên nhiên, biết tháo vát, sống lành mạnh, có thăng bằng, nên những công dân hữu ích.

H. Ra sống giữa thiên nhiên đủ làm cho người ta nên công dân tốt chưa?
Đ. Chưa hẳn thế, có người hiểu lầm sống giữa thiên nhiên là đi nghỉ mát ở bờ biển hay trên núi cao, có đủ tiện nghi. Đối với HĐ, sống giữa thiên nhiên là cả một cái mầu nhiệm xây dựng con người, là sống mà biết vẻ đẹp của núi cao, sông rộng, trời xanh, mây trắng, hoa thơm, cỏ đẹp, biết chim trên ngàn, biết cá dưới biển. Hô hấp không khí trong lành cho thân xác được tráng kiện, cắm trại, đi bộ để tập chịu đựng mưa nắng, biết tự liệu thức ăn, chỗ ngủ, biết nhẫn nhục giúp đỡ nhau, thuộc sử ký địa dư của vùng mình đi, hiểu tâm lý của dân bản xứ.

H. Sống giữa thiên nhiên luyện chí khí thế nào?
Đ. Trẻ sẽ biết quan sát ngoại vật, dùng trí nhớ ghi lại phong tục, tâm lý, trong các nông địa lam lũ, hiểu nỗi nghèo của kẻ khác, biết dự phòng, tiết kiệm, thắng trở ngại và luôn luôn vui vẻ.

V – TRÒ CHƠI

H. Tại sao trò chơi mà giáo dục được?
Đ. Đây là một điều làm cho nhiều nhà sư phạm lúng túng, nhưng phương pháp HĐ tạo nên một bầu không khí thuận tiện để các Trưởng cho HĐS vẫy vùng đồng thời làm phát triển các đức tính.

H. Giáo dục trẻ thế nào lúc chơi?
Đ. Lúc ta chơi ta luyện cho chúng những đức tính sau đây: Trọng kỷ luật, thành thực, luôn luôn vui vẻ, luyện óc quan sát, tập quan sát, tập trí nhớ, lanh lẹ, nhẫn nại...

H. Muốn được vậy phải tổ chức thế nào?
Đ. Ta phải nhớ rằng việc sửa soạn một trò chơi rất quan trọng, nếu không sửa soạn kỹ thì hỏng cả công việc giáo dục vì trò chơi không đem lại mục đích ta nhắm. Trò chơi phải hấp dẫn, không làm cho chúng nhàm chán, phải tùy sức, tùy tuổi, tùy nơi chỗ, tùy thời giờ, phải đổi thay. Sau lúc chơi phải giải thích, khen những cái hay, sửa những điều dở, chê những người nóng nảy, thiếu thành thực để lần sau vui hơn, hữu ích hơn.

H. Lúc chơi có học không?

Đ. Lúc chơi trẻ luyện chí khí, không sống trong nhung lụa, trên sách vở. Ngược lại, chúng học những cái mà trong lớp không dạy, chúng lại học cách thèm muốn vì có cảm tưởng là chúng đang chơi chứ không học(1).
---------------------
Chú thích:
(1) Les instructions données par le Camp Gilwell à tous camps écoles de chets du monde pour 1936-1938 Retge policy, Rule 3.
(2) A t’ école de la vie p.270
-----------------------------
5 MỤC ĐÍCH VÀ 5 PHƯƠNG THẾ
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét